19 avsnitt

Ng-Âm Thơ là một dự án xoay quanh nghệ thuật ngâm thơ do đội ngũ Trạm Radio sản xuất, với sự đồng hành của dịch giả Châu Hải Đường và họa sĩ/nghệ sĩ ngâm thơ Nguyễn Ngọc Dân.

Ng-Âm Th‪ơ‬ Trạm Radio

    • Konst

Ng-Âm Thơ là một dự án xoay quanh nghệ thuật ngâm thơ do đội ngũ Trạm Radio sản xuất, với sự đồng hành của dịch giả Châu Hải Đường và họa sĩ/nghệ sĩ ngâm thơ Nguyễn Ngọc Dân.

    Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng

    Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng

    Các bạn thân mến, trong Ng-Âm Thơ số 19 ngày hôm nay, xin mời các bạn lắng nghe ba bài thơ trích trong tập thơ chữ Hán Ngục trung nhật ký, tức Nhật ký trong tù của chủ tịch Hồ Chí Minh.

    Gồm 134 bài chữ Hán viết theo thể Đường luật, Nhật ký trong tù được Hồ Chí Minh sáng tác từ 29/8/1942 đến 10/9/1943 trong thời gian bị bắt giam ở Quảng Tây, Trung Quốc bởi chính quyền Tưởng Giới Thạch. Không chỉ ghi lại cảnh sinh hoạt trong tù, tập thơ còn có ý nghĩa tố cáo chế độ nhà tù khắc nghiệt của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Tập thơ ra đời trong bối cảnh Nguyễn Ái Quốc từ Pác Bó sang Trùng Khánh, Trung Quốc với tư cách đại biểu của Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội và Quốc tế phản xâm lược Việt Nam phân hội để kêu gọi các nước Khối Đồng Minh ủng hộ Mặt trận Việt Minh trong công cuộc đánh đuổi Pháp và Nhật. Khi đi, Nguyễn Ái Quốc mang theo danh thiếp in tên Hồ Chí Minh, vì vậy tên gọi Hồ Chí Minh chính thức được sử dụng từ đây.

    Hầu hết các chuyên gia và nhà phê bình đều nhận định thơ trong Nhật ký trong tù giản dị và mộc mạc, nhưng không vì thế mà tầm thường. Trần Huy Liệu cho rằng: “Đọc tập thơ của Hồ Chủ tịch, chúng ta không thấy những bài thuộc loại “hô to gọi giật” như thường thấy ở một số nhà cách mạng khác mà là những lời lẽ bình dị, mộc mạc rất dễ hiểu và dễ cảm. Những chữ Hán dùng trong thơ phần nhiều cũng là bạch thoại chứ không chất chứa những điển tích hay những câu chữ cầu kỳ. Chúng ta thấy Bác “đọc” ra thơ hơn là “nghĩ” ra thơ.” Hoài Thanh cũng chung ý kiến: “Thế giới quen thuộc trong thơ Bác là thế giới những hoàn cảnh cụ thể, những sự việc cụ thể trong đời sống hàng ngày: một người bạn tù không có cơm ăn, một em bé khóc, một cô gái xay ngô và rất nhiều sự việc khác có khi nhỏ nhặt, chi li. Nhưng từ những sự việc ấy, thơ Bác dẫn ra, đi sâu vào lối nhìn, lối nghĩ của người cộng sản, một cái gì rất bình thường mà vĩ đại…”

    Cho đến nay, Nhật ký trong tù đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng và nhờ đó được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới. Ngày 1/10/2012, thủ tướng đã ra quyết định công nhận tập thơ là bảo vật quốc gia.

    Sau đây, xin mời các bạn lắng nghe ba bài thơ bao gồm “Khai quyển” bản dịch của Nam Trân, “Văn thung mễ thanh” bản dịch của Văn Trực, Văn Phụng và "Tảo giải" bản dịch của Nam Trân qua giọng diễn ngâm của nghệ sĩ/hoạ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hùng Cường.

    • 7 min
    Người đời ai khóc Tố Như chăng?

    Người đời ai khóc Tố Như chăng?

    Các bạn thân mến, trong Ng-Âm Thơ số 18 hôm nay, xin mời các bạn đến với hai bài thơ chữ Hán của đại thi hào Nguyễn Du.

    Nguyễn Du tên tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, sinh ngày 3/1/1766 tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ ông là Nguyễn Nghiễm, từng đậu Hoàng giáp tức Nhị giáp tiến sĩ và làm quan đến chức Đại Tư đồ, tức Tể tướng dưới triều Lê trung hưng. Mùa thu năm 1802, vua Gia Long diệt nhà Tây Sơn, do mến tài và kính trọng dòng dõi nhà Nguyễn Nghiễm nên không những tha chết cho Nguyễn Du mà còn phong làm tri huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam (nay là huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên). Nhờ thông thạo tiếng Trung mà chỉ mấy tháng sau, Nguyễn Du được đặc cách lên ải Nam Quan tiếp sứ nhà Thanh, và đến năm 1814 được thăng đến Lễ bộ hữu Tham tri (tòng Nhị phẩm).

    Nguyễn Du đóng góp không nhỏ trong suốt cuộc đời làm quan cho nhà Nguyễn, nhưng ông được nhớ tới nhiều hơn nhờ gia tài văn chương. Ngoài Truyện Kiều, ông còn làm thơ chữ Hán bằng nhiều thể thơ của Trung Quốc như ngũ ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật, thất ngôn luật, ca, hành. Theo gia phả họ Nguyễn Tiên Điền, Nguyễn Du để lại ba tập thơ chữ Hán gồm Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc Hành tạp lục, đến nay đã sưu tập được tổng cộng 249 bài. Ba tập thơ này có thể được xem như ba tập nhật ký ghi trong khoảng thời gian dài, từ năm nhà thơ 21 tuổi đến năm 49 tuổi, do mỗi bài thơ đều chứa đựng một lời tâm sự.

    Nếu “Thăng Long kỳ 1” trong tập Bắc Hành tạp lục Nguyễn Du viết khi sứ bộ từ Phú Xuân dừng chân ở Thăng Long trước khi lên ải Nam Quan là nỗi hoài niệm quá khứ và cái bâng khuâng trước thế cục xoay vần “Ngàn năm dinh thự thành quan lộ / Một dải tân thành lấp cố cung,” thì “Độc tiểu thanh ký” trong Thanh Hiên thi tập lại là lòng thương cảm với số phận người con gái tài tình bạc mệnh Phùng Tiểu Thanh. Tương truyền, Phùng Tiểu Thanh sống khoảng đầu thời Minh, là con nhà gia thế nên từ nhỏ đã thông thạo cầm kì thi hoạ, phong tư lại lộng lẫy hơn người. Năm 16 tuổi, nàng được gả làm vợ lẽ cho Phùng Sinh, nhưng vợ cả tính ghen tuông lại cay độc nên ép nàng ra sống một mình trên Cô Sơn gần Tây Hồ. Những muộn phiền đau khổ nàng gửi gắm vào thơ phần lớn đều bị vợ cả đốt hết; chẳng bao lâu, Tiểu Thanh sớm sinh bệnh rồi qua đời khi chỉ mới mười tám xuân xanh.

    Sau đây, xin mời các bạn lắng nghe “Thăng Long kỳ 1” bản dịch của Quách Tấn và “Độc tiểu thanh ký” bản dịch của Vũ Tam Tập qua giọng diễn ngâm của hoạ sĩ/nghệ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hùng Cường.

    • 11 min
    Non xanh đã biết hay chưa?

    Non xanh đã biết hay chưa?

    Các bạn thân mến, trong Ng-Âm Thơ số 17 ngày hôm nay, xin mời các bạn lắng nghe bài thơ “Chơi Sài Sơn (lần thứ hai)” của tác giả Nguyễn Thượng Hiền.

    Nguyễn Thượng Hiền tên hiệu là Mai Sơn, người làng Liên Bạt, huyện Sơn Lăng, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội), sinh năm 1868, mất năm 1925. Ông nổi tiếng thông minh từ nhỏ, năm 1884 khi 17 tuổi đã đổ cử nhân khoa thi Hương ở Thanh Hoá. Đến năm 1892, ông thi Đình và cũng đỗ Hoàng giáp như cha mình là Nguyễn Thượng Phiên, nên được bổ nhiệm làm Toản Tu ở Quốc Sử quán, thăng Đốc học ở Ninh Bình rồi thuyên chuyển sang Nam Định, nên thường được gọi là ông Đốc Nam.

    Năm 1907, vua Thành Thái bị Pháp phế truất, Nguyễn Thượng Phiên qua đời, do vậy Nguyễn Thượng Hiền lấy cớ thọ tang cha mà xin tạm nghỉ việc quan, gấp rút chuẩn bị xuất dương tìm đường cứu nước. Chính ở Trung Quốc, ông đã gặp gỡ và rồi cùng Phan Bội Châu sang Nhật hưởng ứng phong trào Đông Du. Năm 1914, khi Phan Bội Châu bị bắt, ông đứng lên lãnh đạo Việt Nam Quang phục Hội, nhưng hoạt động của hội này nhanh chóng bị đàn áp. Nguyễn Thượng Hiền bôn tẩu khắp nơi, cuối cùng nương nhờ cửa Phật tại chùa Thường Tịch Quan Lan Nhược trên núi Vân Sơn ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc và ở đó đến khi mất vào năm 1925.

    Ngoài vai trò là một chí sĩ yêu nước, Nguyễn Thượng Hiền còn là một nhà văn hoá, nhà thơ lớn với gia tài sáng tác hơn 600 bài thơ văn bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Ngoài những bài thơ và bài ký phục vụ mục đích chính trị và cổ vũ đấu tranh, ông cũng viết nhiều bài thơ ký thác tâm sự bản thân, điển hình như bài “Chơi Sài Sơn (lần thứ hai).” Không để các bạn thính giả chờ lâu hơn nữa, sau đây xin mời các bạn lắng nghe bài thơ qua giọng ngâm của hoạ sĩ/nghệ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hùng Cường.

    • 6 min
    Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

    Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

    Các bạn thân mến, trong Ng-Âm Thơ số 16 hôm nay, xin mời các bạn đến với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.   

    Nguyễn Bỉnh Khiêm, tên huý Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, sinh ngày 13/5/1491 tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng), là một chính khách, nhà thơ, nhà chiến lược, một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến lịch sử và văn hoá nước Việt trong thế kỷ 16. Ông sinh ra trong gia đình nhà nho truyền thống, cả cha lẫn mẹ đều thông tuệ và giỏi văn chương, nên năm 1535 ông thi đỗ Trạng nguyên rồi ra làm quan nhà Mạc và bày mưu tính kế giúp vua Mạc bảo toàn vương nghiệp. Vì thế, hoạn lộ của ông từ Lại bộ Tả thị lang, Đông các đại học sĩ, trải thăng đến Lại bộ Thượng thư, Thái phó, Trình Tuyền hầu, rồi lại gia phong Trình quốc công nên đời thường gọi là Trạng Trình. Xuyên suốt chiều dài lịch sử phong kiến Việt Nam, ông là một trong số hiếm những người được phong tới tước Công, tức Quốc Công, mà chưa từng cầm binh ra trận hay là công thần khai quốc lẫn hoàng thân quốc thích.   

    Đến khi ngoài 70 tuổi, ông treo ấn từ quan, trở về quê nhà và dựng am Bạch Vân bên bờ sông Tuyết Hàn để mở trường dạy học và sáng tác thơ văn. Ông sáng tác cả chữ Hán và chữ Nôm, và với thơ Nôm trong tập Bạch Vân quốc âm thi tập, chủ đề nổi bật là cái nhàn. Nói về sự “nhàn” trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, GS. Nguyễn Huệ Chi nhận xét trong cuốn Bước đầu suy nghĩ về văn học thời Mạc: Cần phải thừa nhận rằng trong cái nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm có một phương diện gọi là tự tại. Nhàn ở đây không là ẩn, chưa phải xã hội thối nát đến mức mình không thể chấp nhận nổi mà trở về chăm nom vài luống cúc, hoặc lẩn trốn vào cửa thiền, hoặc tìm quên trong thú vui cần câu, chén rượu. Nhàn, bởi mình cảm thấy phải làm chủ cuộc sống của mình, cho nên tự mình trở về an nhàn nghỉ ngơi. Nhưng khi nhà Mạc kêu gọi đi đánh bọn phản loạn thì Nguyễn lại hăng hái ra giúp. Nhàn trong trường hợp này là nhàn tự tại. Nhàn tự tại chính là nét khác với nhàn ở nhiều thời đại khác là thứ nhàn chỉ muốn lánh đục, lánh triều đình, “dũng thoái”. Nhàn tự tại không cố chấp mà hồn nhiên hơn.”  

    Sau đây, xin mời các bạn lắng nghe bài thơ số 79 và 129 trong tập thơ Nôm Bạch Vân quốc ngữ thi tập và bài thơ chữ Hán “Hạ cảnh” trích trong tập Bạch Vân am thi tập, bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường, cũng chính là cố vấn nội dung cho chương trình Ng-Âm Thơ.

    • 10 min
    Tôi tiễn chân người sang biệt ly

    Tôi tiễn chân người sang biệt ly

    Các bạn thân mến, trong số Ng-Âm Thơ ngày hôm nay, xin mời các bạn cùng lắng nghe hai bài thơ của nhà thơ thôn quê Nguyễn Bính.

    Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh ngày 13/2/1918 tại xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội, nay là xã Cộng Hoà, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, mất ngày 20/1/1966 khi mới chỉ 47 tuổi. Ông vốn sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo, lại mồ côi mẹ từ bé nên khi mới mười ba tuổi, ông đã phải rời quê hương, theo chân anh cả tới Hà Đông kiếm sống. Tuy có cuộc đời nhiều vất vả, nhưng do được cha và anh nhọc công dạy dỗ nên Nguyễn Bính cũng sớm bộc lộ năng khiếu thơ ca. Trong đó, giai đoạn 1940 - 1942 là giai đoạn hồn thơ Nguyễn Bính bung nở rực rỡ nhất, với nhiều tập thơ gây được tiếng vang: Lỡ bước sang ngang, Tâm hồn tôi (1940), Hương cố nhân (1941), Người con gái ở lầu hoa, Mười hai bến nước (1942). Trong kháng chiến chống Pháp, ông sáng tác nhiều. Thơ ông thời kỳ này chủ yếu phục vụ kháng chiến, với các tác phẩm được lưu truyền rộng rãi, đặc biệt là ở Nam Bộ: Ông lão mài gươm, Trăng kia đã đứng ngang đầu…

    Thơ Nguyễn Bính, như Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam đã từng nhận xét, là một hồn thơ “quê mùa”, dung dị và đầy tình cảm. Thơ ông chủ yếu viết theo thể lục bát, đậm đà phong vị dân tộc. Lời thơ chân chất, đằm thắm, gần gũi với ca dao. Hình ảnh thường trở đi trở lại trong các sáng tác của Nguyễn Bính là những đôi trai gái mới yêu, những anh trai làng, những cô gái đò, những con người nặng tình khao khát tình yêu và luôn trăn trở với căn bệnh “tương tư” khó chữa. Bởi vậy, đọc thơ Nguyễn Bính, ta không tìm thấy những ước lệ mực thước, cổ điển như trong thơ cũ; dầu là thơ mới, ta cũng không tìm thấy vẻ siêu thực, kỳ dị như của các nhà thơ hiện đại cùng thời.

    Đọc thơ Nguyễn Bính, giống như Nguyên Sa từng nhận xét, đọc thơ ông, ta chỉ thấy đong đầy “tiếng hát”: “Tiếng hát võng đưa. Tiếng hát lũy tre, tiếng hát buổi chiều mùa thu còn chút nắng không đủ ấm tiếng hát trẻ nhỏ khóc, tiếng hát thiếu nữ ngồi hong tóc, tiếng hát của mẹ của Hà Nội xa tắp của Vân Đình lo sợ, của những ngôi làng ven đường số năm cuối cùng trong ảo vọng.” Một tiếng hát đậm đà chân quê.

    Sau đây, xin mời các bạn lắng nghe hai tác phẩm “Trường huyện,” hay còn được biết đến với cái tên “Bươm bướm ngày xưa” và “Nhớ người trong nắng,” qua giọng diễn ngâm của hoạ sĩ/nghệ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hùng Cường.

    • 11 min
    Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm

    Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm

    Các bạn thân mến, thi phẩm các bạn vừa nghe có tên “Tự thán,” tương truyền là sáng tác của Nguyễn Trãi, qua giọng diễn ngâm của hoạ sĩ/nghệ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hùng Cường.  Nguyễn Trãi sinh năm 1380, mất năm 1442, hiệu là Ức Trai, quê ở Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương), sau dời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây). Cha là Nguyễn Phi Khanh, một học trò nghèo, học giỏi, đỗ thái học sinh (tiến sĩ). Mẹ là Trần Thị Thái, con Trần Nguyên Đán, một quý tộc đời Trần. Nguyễn Trãi là nhân vật toàn tài hiếm có trong lịch sử nước Việt; ông không chỉ là nhà chính trị, là quân sự, nhà ngoại giao kiệt xuất, là khai quốc công thần của nhà Hậu Lê sau khi khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi đứng đầu chống lại quân Minh xâm lược thành công vào năm 1428, mà còn là nhà văn hoá, nhà văn, nhà thơ xuất sắc. Ông được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hoá thế giới và nằm trong số 14 anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.   

    Về sự nghiệp văn chương, không ngoa khi nói rằng Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận tài ba, với Quân trung từ mệnh tập và nổi tiếng nhất là Bình Ngô đại cáo. Ngoài ra, ông còn soạn thảo Dư địa chí, còn gọi là Ức Trai di tập Nam Việt dư địa chí. Về thơ ca, hai tập thơ nổi bật nhất của Nguyễn Trãi là Ức trai thi tập bằng chữ Hán gồm 105 bài thơ và Quốc âm thi tập bằng chữ Nôm gồm 254 bài thơ, mà theo Trần Huy Liệu thì đây là tập thơ Nôm có tuổi đời lâu nhất còn lại của Việt Nam đến nay. Nhờ Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi đã trở thành người đặt nền móng cho văn học chữ Nôm nước nhà.  

    Tiếp sau đây, Ng-Âm Thơ xin giới thiệu đến các bạn Côn Sơn ca, thi phẩm nổi tiếng bậc nhất trong Ức Trai thi tập của Nguyễn Trãi, được viết trong khoảng thời gian ông từ quan về nghỉ ở núi Côn Sơn, thuộc xã Chí Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nơi ông ngoại Trần Nguyên Đán của Nguyễn Trãi thường ngâm thơ uống rượu sau khi từ chức vì can gián Hồ Quý Ly chuyên quyền mà không được. Qua giọng ngâm của hoạ sĩ/nghệ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hùng Cường, xin mời các bạn lắng nghe Côn Sơn ca, bản dịch thơ của Phan Võ, Lê Thước và Đào Phương Bình.

    • 10 min

Mest populära poddar inom Konst

Jordkommissionen
Perfect Day Media
Natti, Natti
Mark Levengood, Henrik Johnsson & Poddagency
TEXTEN - med Flora Wiström
Podplay
Nyheter24: Sanning & konsekvens
Nyheter24
Recept tack!?
Perfect Day Media
Mörlin Wistrand • Snickaren o Inredaren
MW