"Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên, nhìn rõ quê hương ngồi nghĩ lại mình." (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui - Trịnh Công Sơn) Sau những cuộc vui ca hát với bạn bè, hay sau một đêm không ngủ được, Trịnh Công Sơn có thói quen ngồi yên một mình trong căn phòng vắng hay trong khu vườn nhỏ tĩnh lặng. Chỉ ngồi đó nhìn bức tường vôi trắng hay nhìn nắng lên mà cảm thấy vui, thấy nhẹ người. Ông có thể ngồi như vậy hàng giờ, cả buổi, mà không thấy chán. Ông thấy mình đang sống trong giây phút đó, và còn nhận ra được nhiều điều hay lắm. Những lúc ngồi yên một mình trong vườn khuya, ông hay bắt gặp con người dễ thương hồn nhiên năm xưa của mình, con người chưa biết đam mê, hờn giận: "Có nhiều khi từ vườn khuya bước về/ bàn chân ai rất nhẹ tựa hồn những năm xưa" (Phôi pha). Ngồi yên, với Trịnh Công Sơn, là một phần của đời sống. Ta cũng nên chọn cho mình một khoảng thời gian nhỏ trong ngày để tập ngồi yên. Lý tưởng nhất là buổi sáng sớm, vì lúc ấy đầu óc vẫn còn trong trẻo và chưa bị áp lực xung quanh. Nhớ tắt điện thoại và đừng mở bất cứ loại nhạc gì lên. Có thể ngồi trên ghế với tách trà nóng. Nhưng hay hơn hết là ngồi trên chiếc gối tròn (loại gối tập yoga hay ngồi thiền) đặt dưới sàn nhà để ta tiếp xúc với thân thể ta nhiều hơn, và cũng dễ thực hiện các động tác ngồi tréo chân (như bán già hay kiết già) để ta không dễ dàng đứng lên, rồi kiếm chuyện gì đó để làm. Có thể nhìn ra sân vườn qua khung cửa sổ để tiếp xúc với cái tĩnh mịch của đất trời khi ngày chưa lên. Có thể nhìn kỹ những vật dụng quanh căn phòng để thấy sự đóng góp quan trọng của nó trong đời sống của ta. Có thể nhìn vào một điểm nào đó trên sàn nhà hay trên tường, hoặc nhìn vào đầu ngọn nến để giữ tâm an định, không suy nghĩ. Có thể nhắm mắt lại để cảm nhận tiếng động lớn nhỏ xung quanh, cả tiếng hơi thở của ta và tiếng im lặng của màn đêm nữa. Có thể cảm nhận mùi thơm của trà, của nến, nhang trầm đang lan tỏa khắp căn phòng. Có thể mỉm cười khi nhìn thấy vài ý nghĩ vẩn vơ vừa xuất hiện trong đầu. Có thể thả lỏng và cảm nhận toàn thân đang trong tư thế ngồi yên. Ngồi yên không chỉ là làm cho thân yên, mà còn làm cho tâm yên. Tâm yên là tâm không vọng động, không suy nghĩ, không mong muốn gì nữa cả. Chỉ có mặt và cảm nhận thôi. Chỉ kết nối và hòa điệu với sự sống đang diễn ra thôi. Trong khi ngồi yên, ta cũng có thể dành ra vài phút để nghĩ lại mình. Ngồi nghĩ lại mình là ngồi nhìn lại những gì ta đã nói đã làm trong ngày hôm qua hay những ngày trước đó. Mặc dù ta đang chủ trương không truy tìm quá khứ, không mơ tưởng tương lai, chỉ sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại, nhưng chỉ bỏ ra vài phút nhìn lại những "cái được" để phát huy và những "cái chưa được" để thấu hiểu và vượt qua thì cũng nên, cũng cần thiết. Những lúc ấy, theo như Trịnh Công Sơn, con người biết nghĩ cho cộng đồng, cho quê hương, cho những điều lớn lao mới chịu xuất hiện, "Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình". "Ngồi nghĩ lại mình" theo hướng tích cực tuy mang lại nhiều cảm hứng tốt nhưng nó cũng dễ mau chóng tan biến. Cái ở lại với ta suốt ngày và cùng ta thực hiện những gì mình tâm huyết, đó chính là năng lượng "ngồi thật yên". Ngồi thật yên là tích tụ lại năng lượng, còn "ngồi nghĩ lại mình" là phải tiêu tốn năng lượng. Vì vậy ta hãy dành ưu tiên cho ngồi thật yên nhiều hơn. Và, hãy đưa "ngồi thật yên" vào thực đơn không thể thiếu mỗi ngày. --- Sách: Làm như chơi - Tr: 41-44 Tác giả: Minh Niệm