Biểu tượng của năm Ất Tỵ 2025 là Rắn. Con vật đứng thứ sáu trong 12 con giáp, theo lịch pháp cổ truyền của Đông Á, có lẽ là biểu tượng chứa đựng nhiều giá trị tương phản nhất. Đại diện cho sự khôn ngoan, lanh lẹn, được kính nể, rắn cũng bị coi là loài phản trắc, nham hiểm. Rắn có nơi được giao phó trọng trách bảo vệ đền, chùa…, nhưng Rắn nhiều khi cũng là kẻ độc ác cần diệt trừ. Song biểu tượng rắn không dừng ở tính chất nhị nguyên đó…
Vì sao năm Thìn gắn liền với năm Tỵ ? Vì sao năm con Rồng rồi mới đến năm con Rắn ? Về biểu tượng Rắn, hai nền văn minh lớn Trung Hoa và Ấn Độ để lại những dấu ấn lớn nào trong văn hóa Việt Nam ? Biểu tượng Rắn trong văn hóa Việt Nam có thể đóng góp gì vào thời điểm nhân loại đang đối mặt với « cuộc đại diệt chủng sinh giới lần thứ 6 » (Sixième extinction de masse) (mà lần gần nhất cách nay khoảng 60 triệu năm với sự tuyệt diệt của loài khủng long) ?
Đọc thêmCuộc đại tuyệt chủng sinh giới lần thứ sáu
Chương trình Tạp chí đầu Xuân ngày mùng Hai Tết mời quý vị ngược dòng lịch sử trở về với một số trầm tích của biểu tượng Rắn ở Việt Nam, mảnh đất giao lưu của nhiều nền văn hóa, cùng với hai nhà nghiên cứu, chuyên gia về văn hóa Huế, tiến sĩ sử học Trần Đức Anh Sơn và phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ, chuyên gia về văn hóa dân gian Đông Á và Đông Nam Á.
Tâm lý ghét và sợ Rắn
Nhưng trước hết, mời quý vị nghe cảm nhận của chị Loan (Sài Gòn) về con Rắn ở người Việt: « Nếu nói theo dân gian, con rắn là thông minh sắc sảo. Nhưng nếu thông minh đó là tốt thì giúp người. Còn nếu thông minh lươn lẹo thì hại người thôi. Nói chung là nó có hai mặt. Về con rắn, người ta nghĩ về cái xấu nhiều hơn là cái tốt. »
Đối với rất nhiều người Việt Nam nói chung, rắn không phải là loài vật thân thiện. Nghĩ tới rắn, nhiều người liên tưởng đến nọc độc nguy hiểm chết người, loài vật hình thù trơn trượt, không chân. Người Việt có nhiều câu nói để chỉ tính xấu của con người với hình ảnh rắn như « Khẩu Phật tâm xà », « đồ rắn độc », rồi « Cõng rắn cắn gà nhà » hay « Đánh rắn là phải đánh dập đầu ». Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn ghi nhận sự vắng mặt của biểu tượng Rắn trong lăng Vua Khải Định :
« Ở trong Thiên Định Cung, nơi an táng vua Khải Định, vị vua thứ 12 của nhà Nguyễn, thì ở Khải Thành Điện, phía trước, nơi thiết trí một án thờ, bây giờ có chân dung vua Khải Định, vua cho trang trí 11 con linh vật, biểu tượng cho các con vật cầm tinh các năm âm lịch. Riêng con Rắn thì không có. Ở vị trí con Rắn, nhà vua thay vào biểu tượng khác. Hoặc có thể các nghệ nhân làm việc vào thời đó, cho đó là một điềm xấu, nếu đưa vô lăng tẩm của một vị vua thì không hay. Tôi đã thống kê các ô trang trí này, thấy có đủ các con vật cầm tinh các năm, tức là Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn…, đến năm Tỵ thì trống.
Cũng cùng một triều đại của nhà Nguyễn chúng ta thấy đầu triều, vua thứ nhì của nhà Nguyễn là Minh Mạng cho khắc đến hai lần, Nhiễm xà (một lần) và Mãng xà (một lần) trên Cửu Đỉnh. Như vậy, trở lại câu chuyện đầu tiên, trong tâm thức của người Việt, Rắn vừa là Tốt, vừa là Xấu. Rắn vừa mang biểu tượng cho sự sinh sôi nẩy nở, mùa màng, nhưng cũng là biểu tượng cho nhục dục, tội lỗi, nham hiểm, và vì vậy có người thích, có người không thích. »
Thủy Thần/Thủy Quái: Tính nhị nguyên của « Rắn »
Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn nêu bật tính hai mặt của biểu tượng Rắn : « Đối với văn hóa của người Việt, con Rắn không phải là biểu tượng đồng nhất, giống như các biểu tượng khác. Khi nói về con Rồng thì để chỉ sự linh thiêng, sự bay lên, sự phát triển. Hay khi nói về Trâu thì là con vật hiền lành, cần mẫn, con vật giúp ích cho đời. Trong lịch sử Việt Nam, con Rắn mang hai yếu tính : tốt và xấu. Chúng ta thấy trong bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam do nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đổng Chi sưu tầm và biên soạn lại, có 200 truyện, trong đó có tới 11 truyện có liên quan đến con Rắn.
Chúng ta thấy hình tượng Rắn nổi tiếng nhất là trong câu chuyện Thạch Sanh. Trong câu chuyện đó, con Rắn đã biến thành một con Chằn tinh hay con Trăn tinh, tu luyện lâu năm, và đi hại người. Và rồi chúng ta thấy trong câu chuyện về thần Núi Tản Viên, con Rắn được coi là con trai của vua Thủy Tề, bị bọn trẻ chăn trâu đánh chết. Sau này, con Rắn nhiều lần là hiện thân cho thế lực dưới nước, biểu tượng cho các thế lực bên dưới, thế lực âm, tấn công con người. Có rất nhiều trường hợp, người ta coi con Rắn là con vật xấu xí, hung ác. Tính của nó rất nham hiểm, hay xúc giục, hoặc là có nọc độc, có thể giết người, và thứ ba là rất tráo trở. Đó là những yếu tính xấu.
Ở một khía cạnh thứ hai, con Rắn được coi là yếu tính tốt, biểu tượng của nước, biểu tượng của sự mềm mại, uyển chuyển. Đối với tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, con Rắn được coi là biểu tượng cho nguồn gốc của các dòng chảy. Con Rắn chính là hình tượng của các dòng sông, hình tượng của nước, của mùa màng, của sinh sôi, nẩy nở. Đó là lý do mà người ta thờ cúng con Rắn. Nó cũng là Vật Tổ trong truyền thuyết Lạc Long Quân – huyền thoại Linh Lang Vương. Giao long là một con Rắn Thần, rất to, biểu tượng cho sự uy nghiêm, sự oai phong. Đó là biểu tượng đang từng bước « rồng hóa », tức là từ con Giao long phát triển thành Rồng. Người ta cho rằng đây là các huyền thoại do các sử gia người Việt sưu tầm được, sáng tác thêm. Trong giai đoạn này, hình ảnh con Rắn mang mầu sắc phong kiến, được đồng nhất với vương quyền. Nhiều người cho Rồng là từ Rắn mà phát triển nên. »
Trong tâm thức của cư dân nông nghiệp thời cổ đại, Rắn là biểu tượng của thủy thần, sức mạnh các dòng sông, thế lực ban phúc và giáng họa. Tục thờ rắn hiện diện phổ biến ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, đặc biệt dọc các con sông lớn ở hạ lưu, như sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu. Theo hai nhà khảo cứu địa phương, Đổng Đức Khiêm và Nguyễn Hữu Bình, trong hiện tại, chỉ riêng dọc khu vực sông Cầu, xứ Kinh Bắc, đã có tới 316 ngôi đền thờ cặp thần rắn « Ông Dài, Ông Cụt », mà một số nhà nghiên cứu coi như là cặp rắn thần có mặt sớm nhất trong thần điện của người Việt cổ. Rắn cũng hiện diện qua hình tượng ông Lốt, hay Thanh xà – Bạch xà, trong các đền phủ của đạo Mẫu (hay đạo Tứ phủ), tín ngưỡng dân gian phổ biến bậc nhất ở miền Bắc Việt Nam.
« Rồng là chính, Rắn là tà »: Sản phẩm của văn hóa chuyên chế Trung Hoa
Quan niệm Rồng là chính thống, còn Rắn thì hèn kém, thậm chí là biểu tượng cho sự độc ác, là sản phẩm của văn hóa chuyên chế Trung Hoa, theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thơ :
« Văn hóa Trung Hoa, trải dài theo lịch sử thời quân chủ của họ, đã xây dựng nên một biểu tượng Rồng là chúa tể của vạn vật. Biểu tượng Rồng lấy cái thân của con Rắn, và thậm chí một vài bộ phận khác, ví dụ đầu hoặc vẩy, vẩy cá hay vẩy rắn nói chung. Và khi nó đã tích lũy những điểm tốt đẹp nhất của loài rắn và muôn loài, thì đương nhiên nó sẽ đẩy các loài vật như loài rắn xuống hàng thứ cấp. Một cặp cấu trúc, Rồng – Rắn, được dựng nên. Theo đó, Rồng là biểu trưng của Hoàng gia, của giới quý tộc, của quyền uy, của tính dương, của cái được cho là tính chính thống.
Đối lập với nó là biểu tượng được cho là của cái gian ác, của âm tính, của một cái gì đó rất hạ cấp, nhưng lại
Thông Tin
- Chương trình
- Kênh
- Tần suấtHằng tuần
- Đã xuất bản14:11 UTC 30 tháng 1, 2025
- Thời lượng10 phút
- Xếp hạngSạch